|

Lịch sử Truyền thống Công an Tỉnh

LỰC LƯỢNG AN NINH AN GIANG TRONG TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN NĂM 1968

Lượt xem:

1. Tình hình chiến trường An Giang trước Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

      - Tình hình và hoạt động của địch

      Để thực hiện “Chiến tranh cục bộ”, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam. Mỹ trang bị rất mạnh cho quân đội ngụy, lập Ty Chiêu hồi và đẩy mạnh chiến tranh tâm lý lôi kéo, mua chuộc, chiêu hàng cán bộ kháng chiến. Chúng đánh lộn phải, trái; trắng, đen, làm cho một bộ phận nhân dân ta, nhất là thanh niên mất phương hướng đấu tranh. Trong 6 tháng đầu năm 1965, ngụy quân An Giang ghi nhận đã có 87 vụ hoạt động của lực lượng cách mạng và chúng đã phải mở 80 cuộc hành quân. Chỉ riêng từ ngày 30/5/1965 đến ngày 15/6/1965 ngụy quân đã mở 20 cuộc hành quân cấp đại đội với số lượng huy động là 13 tiểu đội, 82 trung đội, 35 đại đội và 09 giang đỉnh.

      Tháng 3/1965, những quả bom B52 đầu tiên được thả xuống An Giang tại Ô Tà Sóc (núi Dài Lớn), đánh dấu mở đầu cho sự đánh phá ác liệt của địch ở chiến trường Bảy Núi.

      Qua năm 1966, địch tập trung đánh mạnh vào vùng Bảy Núi với lực lượng thường xuyên của Sư đoàn 9, sư đoàn 21 và địa phương quân nhằm cắt đứt đầu cầu hành lang nối từ Khu 8 về Khu 9. Cường độ ném bom ác liệt hơn năm 1965 với hàng trăm phi vụ (có cả B52). Chúng vừa ném bom sát thương vừa rải chất độc hóa học. Trên địa bàn tỉnh Châu Đốc, hoạt động quân sự có 377 cuộc hành quân, trong đó có một cuộc cấp sư đoàn, 16 cuộc cấp tiểu đoàn, 47 cuộc oanh kích. Ở An Giang, trong 6 tháng đầu năm, địch mở 88 cuộc hành quân từ 01 đến 05 đại đội, lực lượng địch từ 11 đại đội bảo an đã tăng lên 16 đại đội.

      Mùa khô năm 1966 – 1967, chiến trường vùng Bảy Núi và biên giới càng trở nên ác liệt. Địch vẫn cố gắng tập trung binh lực với quyết tâm tái chiếm các vùng căn cứ của ta, đặc biệt vùng Bảy Núi, các trung đoàn của Sư đoàn 9, Sư đoàn 21, liên đoàn biệt động biên phòng, biệt kích Mỹ… thường xuyên cùng quân ngụy tiểu khu Châu Đốc tổ chức hành quân càng quét quy mô cấp trung đoàn trở lên. Ở địa bàn An Giang, trọng tâm của địch là càn quét vùng đồng tràm Huệ Đức, cánh đồng Năm xã (Châu Thành) và đẩy mạnh công tác bình định, tình báo, chiêu hồi.

      - Tình hình và hoạt động của lực lượng an ninh An Giang

      Thực hiện Nghị quyết chuyển hướng chiến lược của Trung ương Đảng, phát động bạo lực cách mạng của quần chúng, nhằm vào chổ yếu của địch tấn công liên tục, giải phóng nông thôn, hoàn thành công tác chuẩn bị trong thời gian ngắn, sẵn sàng thực hiện phương hướng chiến lược tiếp theo. Ban An ninh tỉnh đã có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động đấu tranh chính trị và binh vận, kìm chân địch trên nhiều địa bàn, không để chúng càn quét, đánh phá cơ sở cách mạng. Nhiều cán bộ thuộc các bộ phận An ninh tỉnh được phân công xuống bám địa bàn, cùng các đoàn công tác và chi bộ địa phương hỗ trợ cho đồng bào đấu tranh chính trị bằng nhiều hình thức như giáo dục răn đe bọn tề điệp, diệt số tay sai ác ôn ngay trong vùng địch chiếm đóng, bắt giáo dục nhiều tên phản động đội lốt tôn giáo.

      Nhiều cuộc đấu tranh chính trị nổ ra ở các địa phương trong tỉnh tập hợp hàng trăm người như ở Thới Sơn, Nhơn Hưng, An Phú, Vĩnh Trung của huyện Tịnh Biên; Ba Chúc, Lê Trì, Ô Lâm, Cô Tô, của huyện Tri Tôn; Vọng Thê, Vĩnh Nhuận, Vĩnh Hanh của huyện Châu Thành - Thoại Sơn; Kiến An, Long Điền, Hội An của huyện Chợ Mới và trong nội ô 02 thị xã Long Xuyên và Châu Đốc. Lực lượng An ninh đã khắc phục khó khăn phối hợp với các lực lượng hỗ trợ cho phong trào. Tại Tri Tôn, lực lượng An ninh và Huyện đội trong một đêm đã diệt và bắt sống hàng chục tên ác ôn tại nội ô thị trấn. Tự vệ mật Châu Đốc diệt 01 tên tình báo của Tiểu khu. Tại An Phú, lực lượng An ninh bắt được một tên tình báo của tiểu khu, qua khai thác bóc gỡ mạng lưới chúng đã cài vào các xã biên giới. Ở huyện Chợ Mới, lực lượng An ninh và du kích địa phương diệt 01 tên ác ôn, bắt 06 trị sự viên phản động đội lốt Phật giáo Hòa Hảo. Hoạt động của lực lượng An ninh và cơ sở tuy chưa nhiều nhưng đã đánh trúng vào các đối tượng kềm kẹp tại cơ sở, hỗ trợ thiết thực cho công tác binh vận, tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, góp phần vào phát triển cơ sở cách mạng tại chỗ lên một bước cao hơn.

      Tuyến biên giới An Giang - Campuchia là hành lang giao thông giữa tỉnh với Khu 8, giữa Trung ương Cục với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, do đó, Mỹ - ngụy đã tập trung các loại tình báo đến khu vực cửa khẩu Sông Tiền và một số xã kế cận nhằm hoạt động dò nắm tin tức, tình hình phục vụ đánh phá ta. Ngoài số tình báo của tiểu khu, an ninh quân đội, cảnh sát đặc biệt còn có tình báo hải quân, đặc ủy Trung ương tình báo, CIA, với ý đồ đánh phá tuyến hành lang này nhằm gây sức ép cô lập chiến trường An Giang. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban An ninh tỉnh đã hình thành bộ phận chống thâm nhập, nhiệm vụ chủ yếu là xóa sổ các hoạt động tình báo của địch ở khu vực này. Hoạt động của bộ phận đạt được khá nhiều hiệu quả, bắt được một sĩ quan Trung ương đặc ủy tình báo ngụy, bắt nhóm tình báo 06 tên của tiểu khu Châu Đốc tại khu vực biên giới Vĩnh Xương – Omxano.

      Qua các đợt tấn công chính trị, binh vận, vũ trang của ta; nội bộ ngụy quân, ngụy quyền hoang mang co lại, vùng giải phóng được giữ vững và mở rộng thêm; thông suốt đường dây biên giới sông Tiền nối liền giữa Khu 9 với Trung ương Cục, giữa An Giang với Khu 8. Đó là nhân tố là điều kiện thuận lợi tạo ra thời cơ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 của quân và dân tỉnh An Giang.

      2. Lực lượng an ninh An Giang trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

      Cuối tháng 12/1967, Quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đề ra phương hướng quyết tâm: Tập trung lực lượng vào trọng điểm thị xã, tiêu diệt bằng được một số mục tiêu quan trọng, kết hợp với quần chúng trong và ngoài thị xã thực hiện công kích nối dậy giải phóng thị xã Châu Đốc, các huyện và thị xã Long Xuyên tiến hành phối hợp đánh quận lỵ, chi  khu, căn cứ hậu cần, cắt đứt một số đoạn giao thông để kềm chân địch, làm suy sụp bộ máy ngụy quyền nông thôn, thực hiện công kích và khởi nghĩa giành chính quyền.

      Ban An ninh tỉnh đã tổ chức quán triệt cho cán bộ chiến sĩ, đề ra kế hoạch thực hiện ý đồ chiến lược của Đảng và quyết tâm của Tỉnh ủy. Theo yêu cầu về quân sự, An ninh tỉnh chuyển qua tỉnh đội 100 quân, thành lập 01 đại đội. Các bộ phận nghiệp vụ của An ninh tỉnh cùng với An ninh các huyện, thị xã, thị trấn chuẩn bị địa bàn trong nội ô, sẵn sàng nổ súng khi có lệnh. Thực hiện kế hoạch tổ chức hành động, đồng chí Nguyễn Ngọc Sương, Trưởng Ban An ninh phụ trách chung ở địa bàn trọng điểm, ở hai thị xã Long Xuyên, Châu Đốc do hai đồng chi Phó Ban và các Ủy viên Ban An ninh tỉnh phụ trách.

      Đi vào chiến dịch, các lực lượng của ta đã đồng loạt tấn công vào các mục tiêu đã định sẵn, các huyện đều thực hiện kế hoạch bằng cách phát động quần chúng, đẩy mạnh tấn công chính trị kết hợp với binh vận, cùng lực lượng tại chỗ và các đội công tác, tiến hành trừng trị nhiều tên ác ôn tạo điều kiện cho đồng bào phá ấp chiến lược, ấp Tân sinh kéo về quê cũ, hỗ trợ thiết thực cho vùng trọng điểm. Cuộc tổng tiến công đồng loạt Tết Mậu Thân năm 1968, lực lượng ta đánh thẳng vào thị xã Châu Đốc, thị trấn Tri Tôn. Mức độ tấn công ở vùng trọng điểm và các vùng phụ cận có khác nhau nhưng đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, tạo điều kiện cho quần chúng liên tục nổi dậy đấu tranh đòi quyền dân chủ dân sinh. Một số xã của hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên được giải phóng, vùng du kích xuất hiện trên diện rộng ở các ấp, cơ sở cách mạng phát triển nhanh.

      Tháng 3/1968, sau khi họp tổng kết đợt 1, Tỉnh ủy tiếp tục mở đợt 2, chủ yếu đánh vào vành đai thị xã Châu Đốc, Tri Tôn và đồn bót vùng nông thôn để áp đảo địch, tạo thế cho quần chúng nổi dậy. Đợt 2 được bắt đầu vào ngày 05/5/1968, với mục tiêu chính là vùng ven Châu Đốc, cùng lúc các xã dọc biên giới, vùng tranh chấp ở các huyện Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới, Tân Châu, An Phú, lực lượng ta cũng tiến hành tấn công đồng loạt. Tuy nhiên, do không còn yếu tố bất ngờ nên đợt này không đạt được mục đích như mong muốn. Tháng 9/1968, tiếp tục mở đợt tấn công thứ 3 vào vùng trung tâm của đạo Phật giáo Hòa Hảo gồm các xã Long Sơn, Phú Lâm, Hưng Nhơn, huyện Phú Tân và 02 xã Vĩnh Xương, Tân An huyện Tân Châu, chiến dịch đã hỗ trợ cho đồng bào Hòa Hảo yêu nước nổi dậy đấu tranh chống bọn tay sai đội lốt tôn giáo và ngụy quyền đòi tự do, dân chủ. Tuy nhiên, ở đợt 3 lực lượng phải phân tán do địch phản kích và chống phá bằng chương trình bình định cấp tốc nhằm chiếm lại vùng chúng bị mất trong đợt 1 và lấn chiếm sang vùng giải phóng cũ.

      Bị đánh những đòn đau, bất ngờ, địch mở các đợt phản kích đánh vào căn cứ giải phóng của tỉnh. Quý III năm 1968, Mỹ - ngụy tập trung lực lượng, sử dụng hỏa lực đánh có tính chất hủy diệt, lập vành đai bao vây núi Cô Tô mà trọng điểm là đồi Tức Dụp (nơi làm việc của Tỉnh ủy và Tỉnh đội). Các đơn vị của Sư đoàn 9, Sư đoàn 21, Thủy quân lục chiến, Biệt động quân, Biệt kích dù, Nam Triều Tiên, Bảo an… Cùng với đủ loại phương tiện chiến tranh: phản lực ném bom, B52, xe bọc thép, hạm đội nhỏ trên sông, trực thăng chiến đấu, các trận địa pháo, máy thu tiếng động… Song song, Mỹ - ngụy thành lập “Ủy ban nhân dân chống Cộng”, tổ chức “nhân dân tự vệ”, đưa 11 đoàn bình định về Tri Tôn, 08 đoàn về Tịnh Biên hoạt động ở xã, ấp, khống chế phong trào, đánh phá cơ sở cách mạng. Trong trận chiến đấu ác liệt nhằm bảo vệ căn cứ, lực lượng bảo vệ của An ninh tỉnh đã cùng với một bộ phận của Tỉnh đội, du kích cơ quan, du kích xã và một tiểu đội nữ du kích người Khmer, hình thành thế trận tổ chức chiến đấu, phân công chốt giữ các điểm trọng yếu. Các mũi tiến quân của địch đều bị ta chống trả quyết liệt, bẻ gãy mọi tiến công của địch. Giai đoạn cuối của cuộc Tổng tiến công Mậu thân là giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến, địch quyết xóa chỗ dựa tinh thần của quần chúng với cách mạng. Lực lượng ta chỉ có khoảng 40 người thường trực của các lực lượng An ninh, Bộ đội, Du kích, đã chủ động luân phiên chặn đánh lực lượng địch gồm nhiều Trung đoàn của Sư đoàn 9, Sư đoàn 21, cùng 02 liên đoàn biệt động quân, 02 tiểu đoàn Nam Triều Tiên và Thái Lan cùng với 02 thiết đoàn xe M113… dưới quyền chỉ huy của tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh vùng 4 chiến thuật. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, cho đến ngày 26/3/1969, sau 128 ngày đêm vây ráp nhưng không có kết quả và bị tiêu hao nhiều sinh lực, địch bắn quả pháo thứ 2.000 để kết thúc cuộc hành quân dài ngày bao vây đồi Tức Dụp.

      Cuộc tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân An Giang Xuân Mậu Thân 1968, đã giáng một đòn bất ngờ vào quân ngụy ở An Giang, Châu Đốc với phạm vi chiến dịch trải rộng trên 01 thị xã, 05 thị trấn, 50 xã, khiến địch phải bị động đối phó, Châu Đốc trở thành một trong hai nơi địch bị thiệt hại nặng nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long.

      Sau đợt tiến công Mậu Thân, lực lượng An ninh An Giang tiếp tục tham gia tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng phần lớn vùng nông thôn, góp phần cùng quân và dân toàn Miền đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, ghi lại một trang sử oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của lực lượng An ninh tỉnh nhà. Qua cuộc đọ sức với quân xâm lược và bè lũ tay sai, đã chứng tỏ: Lực lượng An ninh nói chung và An ninh tỉnh An Giang nói riêng đã thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm. Địch càng đánh phá ác liệt, càng hung hăng tàn bạo, cán bộ chiến sĩ an ninh càng tỏ rõ lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, lập được thành tích xuất sắc, luôn luôn xứng đáng là lực lượng tin cậy của Đảng, chỉ biết còn Đảng là còn mình.

      Qua ba đợt tổng tiến công và nổi dậy, cuộc Tổng công kích - tổng khởi nghĩa ở An Giang đã diễn ra từ Tết Mậu Thân và kéo dài đến cuối năm 1968, lực lượng An ninh tỉnh đã cùng quân và dân tiến hành ba đợt tiến công, phối hợp toàn chiến trường miền Nam giành được nhiều thắng lợi quan trọng, góp phần làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược, buộc chúng phải hủy bỏ kế hoạch “tìm diệt và bình định” chuyển sang kế hoạch phòng ngự bị động “quét và giữ”.

      Tuy ta không giữ được các địa bàn đã chiếm được, nhưng đã thể hiện sức mạnh của lực lượng cách mạng. Kế hoạch tìm diệt của Mỹ - ngụy không thực hiện được, nhưng trái lại ta không bị diệt mà còn đủ sức tấn công dài ngày rộng lớn vào sào huyệt của địch. Thắng lợi ấy cũng cổ vũ tinh thần của nhân dân ta, đồng bào lâu nay ở ngay cạnh địch, kể cả số gia đình binh lính, sĩ quan ngụy thấy được sức mạnh của ta, tin tưởng vào cách mạng.

      Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân của quân và dân ta trên toàn chiến trường miền Nam cũng như trên chiến trường tỉnh An Giang đã giành được những kết quả to lớn: tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy, phá hỏng nhiều phương tiện chiến tranh; phá vỡ chính quyền địch ở nhiều vùng nông thôn; phá vỡ hệ thống phòng thủ của Mỹ - ngụy trên toàn bộ địa bàn tỉnh An Giang... Nhưng, quan trọng hơn là qua cuộc tổng tiến công đã phơi bày toàn bộ những mâu thuẫn mà Mỹ - ngụy không sao khắc phục được trong cách thức điều hành chiến tranh; thể hiện sự thất bại về quân sự và chính trị của Mỹ trong những năm chiến tranh cục bộ; chứng tỏ chiến lược chiến tranh của Mỹ không đối phó được với chiến tranh nhân dân Việt Nam.

      Tuy nhiên, do dồn sức tiến công và nổi dậy liên tục, kéo dài, trên quy mô rộng lớn và trong điều kiện yếu tố bất ngờ không còn, lực lượng vũ trang và chính trị của tỉnh bị tổn thất nặng nề (hàng trăm cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hàng ngàn quần chúng cách mạng đã ngã xuống...). Mặt khác, do dồn sức tiến công đô thị, đã để hở vùng nông thôn. Lợi dụng sơ hở của ta, từ giữa năm 1968, địch chiếm lại hầu hết những vùng vừa giải phóng. Thế trận chiến tranh nhân dân trong tỉnh bị suy giảm, cách mạng An Giang đứng trước những thử thách nặng nề.

      Trong giai đoạn lịch sử này, lực lượng An ninh đã cùng với quân dân trong tỉnh đương đầu với guồng máy chiến tranh tàn bạo và hệ thống tình báo, gián điệp của Mỹ, vượt qua những năm tháng ác liệt đầy gian khổ và hy sinh. Tuy lực lượng An ninh tỉnh có bị tổn thất, nhưng ta đã trưởng thành lên trên nhiều mặt, có thêm nhiều kinh nghiệm rút ra từ thực tế chiến trường, trong các cuộc đấu tranh mới với các loại tình báo của Mỹ - ngụy.

      Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân An Giang nói riêng và của toàn miền Nam nói chung đã giáng một đòn bất ngờ vào quân Mỹ - ngụy, thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, đánh bại một bước âm mưu xâm lược của Mỹ, tạo nên bước ngoặt quyết định của chiến tranh. Cùng lực lượng khác trong tỉnh, lực lượng an ninh An Giang đã góp công vào thắng lợi, buộc địch phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào đàn đàm phán hòa bình. Chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, thể hiện được vai trò là công cụ của Đảng phục vụ nhiệm vụ chính trị, góp phần đưa phong trào cách mạng trong tỉnh tiến lên giai đoạn mới.

                                                                                                TẤN HÒA

LỰC LƯỢNG AN NINH AN GIANG TRONG TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN NĂM 1968
Dịch vụ công trực tuyến

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: