|

Lịch sử Truyền thống Công an Tỉnh

Anh hùng liệt sỹ Công an nhân dân và những chiến công đi vào huyền thoại

Lượt xem:

Gương chiến đấu hy sinh anh dũng và khí tiết cách mạng kiên cường của các anh là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của người chiến sỹ CAND tận tụy với Đảng, tận hiếu với dân. Anh dũng hy sinh nhưng tấm gương “sống giản dị, chết anh hùng” của họ đã để lại lòng cảm phục sâu sắc và tiếc thương vô hạn trong lòng đồng chí đồng đội và nhân dân tỉnh nhà.

      Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày thương binh liệt sỹ, theo chân đoàn du khảo về nguồn, chúng tôi đã có dịp trở lại quê hương của các anh, Tri Tôn từng là căn cứ địa cách mạng ghi đậm bao chiến công, mảnh đất chịu nhiều bom đạn cày xới này là nơi biết bao “anh hùng xuất thế”. Công an An Giang có 3 Anh hùng liệt sỹ thì 2 người là ở Tri Tôn, đó là Thái Quốc Hùng và Lục Văn Nhì, các anh là biểu tượng là niềm kiêu hãnh của người dân nơi đây. Chợ Mới quê hương của AHLS Võ ánh Đăng, nơi mở đầu phong trào cách mạng tỉnh nhà và cũng là nơi đặt dấu chấm hết cho sự thất bại của kẻ thù xâm lược trên đất An Giang. Những người cùng thời với các anh còn lại không nhiều, nhất là những đồng chí, đồng đội cùng chiến đấu với các anh. Nhưng những ai còn lại dù chỉ được nghe kể một lần về cuộc đời hoạt động và những chiến công của các anh thì không ai là không kính phục. Nhân dân ở Tri Tôn và Chợ Mới, nơi các anh sinh ra và lớn lên, nơi nuôi dưỡng, che chở để các anh dọc ngang tung hoành chiến đấu thì rất tự hào và coi những chiến công và sự hy sinh của các anh như những huyền thoại.

      Võ ánh Đăng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo khó nhưng lại giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, Võ ánh Đăng sớm có khí phách của người anh hùng, tham gia cách mạng từ năm 1946, với lòng gan dạ, mưu trí, dũng cảm, năm 1961 anh đã là Trưởng ban an ninh huyện Chợ Mới. Lúc này địch chuyển sang kế hoạch lập ấp chiến lược ra sức càn quét, bắt bớ, sát hại cán bộ kháng chiến và đồng bào yêu nước. Dưới sự lãnh đạo của anh phong trào diệt ác phá kìm phát triển mạnh mẽ. Nhiều tên ác ôn bị tiêu diệt, đồn bốt bị đánh, hàng rào ấp chiến lược liên tục bị phá vỡ, đồng chí đã đi khắp các xã, tổ chức cơ sở, phát hiện tình báo chỉ điểm để loại trừ, tiếp xúc với các ác ôn này lôi kéo họ về với cách mạng. Các tên Nguyễn Hoài Du, Tài- ác ôn có nhiều nợ máu đã được tiêu diệt làm cho địch hoang mang, hàng ngũ rối loạn.

      Năm 1966-1968, trước hoạt động mạnh mẽ của ta, địch tăng cường bình định, dụ dỗ mua chuộc, dùng đồng dolar treo giải thưởng cho ai chỉ điểm bắt Võ ánh Đăng hoặc lấy được đầu của anh. Nhưng với lòng mưu trí, bản lĩnh, gan dạ, anh và các đồng đội vẫn xuất quỷ, nhập thần, gây cho địch những tổn thất nặng nề. Mùa hè năm 1969 tại An Thạnh Trung-Chợ Mới anh bị trúng đạn trong trận chiến đấu ác liệt với địch và bị bắt giải về quận lỵ Chợ Mới. Bọn địch mừng rỡ vì bắt được lãnh đạo cấp cao của cách mạng. Chúng tìm mọi thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt, từ mua chuộc, dụ dỗ đến dùng cực hình, tra tấn dã man, nhưng anh vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, người chiến sĩ Công an cách mạng kiên cường, bất khuất, quyết không khai báo để bảo vệ bí mật cho lực lượng, cho Đảng, cho cách mạng. Dùng mọi thủ đoạn nhưng không khuất phục được anh, chúng bắt vợ anh ra nhận mặt, nhưng một lần nữa kẻ thù lại phải thất bại bởi lòng trung thành với Tổ quốc, bởi ý chớ sắt đá của cặp “trai anh hùng, gái thuyền quyên” này. Ngày 16/6/1969 địch giải cả hai vợ chồng anh sang khám Long Xuyên. Tại đây sự tàn bạo và hèn hạ của chủ nghĩa đế quốc được phát huy mạnh mẽ như: giải phẩu không gây mê, biết không thể thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù, anh đã tự bứt ruột mình hi sinh trong sự tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào.

      Xã Ba Chúc, Tri Tôn là nơi địch chọn làm khu trù mật kiểu mẫu. Năm 1962 bọn bình định, tình báo và cảnh sát dã chiến được tập trung đông đủ để phô trương sức mạnh quân sự đàn áp nhân dân và phong trào cách mạng nơi đây. Có sức khỏe và đặc biệt gan dạ, Lục Văn Nhì-cán bộ an ninh được lãnh đạo tin tưởng, giao nhiệm vụ diệt ác, phá tề, trừ khử những tên tay sai chỉ điểm như: tên Có-Trưởng đoàn nghĩa quân ác ôn khét tiếng tại ngã ba cây Dâu vào tháng 2/1967. Hay tên Lác thám báo căn cứ Ba Xoài-tay sai chỉ điểm ác ôn tại ấp Núi Nước 7/1968. Đồng chí lập kế hoạch diệt tên Nguy, trưởng ấp Thanh Lương, xã Ba Chúc ngay tại nhà riêng của y. Anh từng là nỗi ám ảnh đối với bọn ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân. Biên một tên phản động khét tiếng gian ác ở ấp Núi Nước- xã Ba Chúc, y thường dẫn địch về càn quét, đốt phá, bắn giết cán bộ, nhân dân. Cấp trên đã quyết định giao nhiệm vụ têu diệt tên Biên cho Lục Văn Nhì. Anh trực tiếp lên phương án và cùng đồng đội thực hiện. Nhận nhiệm vụ, 20h  ngày 4/7/1972 anh cùng 2 chiến sĩ vào ấp Núi Nước gặp cơ sở, điều tra nắm tình hình, tìm ra quy luật đi lại, ăn, ở của hắn… để lên kế hoạch tiêu diệt. Nhưng trên đường trở về căn cứ lọt vào ổ phục kích, 1 đồng đội của anh bị thương, anh ở lại chiến đấu yểm trợ để 2 đồng đội về căn cứ an toàn, viên đạn cuối cùng trên tay anh đã hết sau hơn 4 giờ chiến đấu ngoan cường với một trung đội địch. Chúng xông tới định bắt sống, nhưng anh đã rút chốt lựu đạn tiêu diệt thêm một số tên giặc trước khi ngã xuống trên đất mẹ thân yêu.

      Tri Tôn, mảnh đất đánh dấu sự thất bại của kẻ thù và là nơi để cho anh hùng đất Việt thăng hoa. Địch càng điên cuồng chống phá bao nhiêu thì càng tôn lên ý chí kiên cường, bất khuất của người dân nơi đây bấy nhiêu. Thái Quốc Hùng đã được tôi luyện trong “chất thép” ấy, với vai trò là Trưởng Ban an ninh huyện, anh tích cực xây dựng và phát triển lực lượng, tổ chức các cuộc chiến đấu diệt ác phá kìm tạo điều kiện cho phong trào quần chúng nổi dậy, làm phân hoá hàng ngũ địch, bẻ gãy âm mưu dùng người Khmer chống phá cách mạng của kẻ thù…Đặc biệt là anh đã giáo dục được tên Trang Kiếm - quận phó quận Tri Tôn làm cơ sở cho cách mạng nên chỉ huy lực lượng bao vây chi khu cảnh sát diệt 11 tên (trong đó có tên Đại uý chi khu trưởng). Chiến công nối tiếp chiến công, ngày 02/5/1968, anh chỉ huy lực lượng bí mật, bất ngờ đánh và tiêu diệt tiểu đoàn dù của địch, bắt gọn ổ gián điệp 8 tên thu nhiều tài liệu, phương tiện kỹ thuật.

      Ngày 10/3/1973, anh cùng 2 cán bộ hóa trang từ căn cứ về Cô Tô gặp cơ sở để nắm tình hình phục vụ cho công tác tiến công địch bảo vệ căn cứ, khi cách Soài So khoảng 10km thì lọt vào ổ phục kích của địch. Khu rừng núi hiểm trở ầm vang tiếng súng, suốt hơn 1h đôi co quyết liệt với cả trung đội địch, 2 đồng đội của Thái Quốc Hùng lần lượt hy sinh. Cuộc chiến không cân sức, anh bị thương nặng. Nhưng tinh thần của anh vẫn không hề nao núng, một mình chiến đấu cầm cự với địch và tiêu diệt thêm một số tên cho đến khi sức cùng, lực kiệt. Sự chiến đấu ngoan cường của anh làm cho địch cuồng loạn, một trái đạn M72 bay vào ngay chỗ anh nằm và đồng chí đã anh dũng hy sinh hòa mình vào hồn thiêng sông núi.

      An Giang mảnh đất anh hùng đã sản sinh ra bao người con anh hùng, Công an An  Giang mưu trí, dũng cảm đã xuất hiện những người đồng đội gan dạ, bất khuất, chiến công và sự hy sinh của họ đã đi vào huyền thoại, vào lịch sử quê hương vào lịch sử truyền thống của Công an an tỉnh nhà như những trang chói lọi nhất. Lớp bụi thời gian sẽ phủ mờ đi tất cả, nhưng bản thân của thời gian lại sợ các vĩ nhân, bởi sự tồn tại của vĩ nhân là trường cửu. Những vĩ nhân đã làm nên lịch sử, cái chết của họ đã làm cho kẻ thù phải run sợ, họ chết cho Tổ quốc mãi trường tồn. “Họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn sống với non sông Việt Nam"  Chúng tôi, xin được mượn câu nói của Bác Hồ kính yêu với thương binh và gia đình liệt sỹ thay cho lời kết của bài viết này.                                     

Trung Việt

Anh hùng liệt sỹ Công an nhân dân và những chiến công đi vào huyền thoại
Dịch vụ công trực tuyến

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: