|

Lịch sử Truyền thống Công an Tỉnh

LỰC LƯỢNG AN NINH HUYỆN TỊNH BIÊN, TỈNH AN GIANG TRONG TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968

Lượt xem:

Để cứu vãn nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của quân ngụy, cuối năm 1965 đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân các nước Chư hầu vào miền Nam Việt Nam, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” thay cho chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đã bị phá sản. Để thực hiện Chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Mỹ sử dụng sức mạnh vật chất của bộ máy chiến tranh khổng lồ nhằm tiêu diệt quân chủ lực của ta. Nó còn là chổ dựa cho ngụy quân, ngụy quyền tiến hành bình định, hòng đánh bật các lực lượng cách mạng ra khỏi dân, giành thế chủ động trên chiến trường. Chúng xây dựng thêm nhiều căn cứ quân sự, dùng hỏa lực mạnh mở nhiều cuộc càn quét dài ngày vào vùng giải phóng để quét dân. Những vùng tạm thời kiểm soát chúng đẩy mạnh tuyên truyền lối sống theo kiểu Mỹ, kết hợp chiến tranh tâm lý với kinh tế lừa gạt, ru ngủ dân chúng, trụy lạc hóa thanh niên tạo tâm lý tin Mỹ, sợ Mỹ, hòng biến nơi đó thành hậu phương của quân Mỹ và các loại tay sai Mỹ - ngụy. Chúng đẩy mạnh chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý, kêu gọi chiêu hồi, chiêu hàng hy vọng với sức mạnh quân sự, cộng với chính sách khủng bố và thủ đoạn chiến tranh tâm lý đó sẽ đè bẹp cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn ngắn nhất.

     Thực hiện Nghị quyết của Đảng, quân và dân miền Nam nói chung, quân và dân tỉnh An Giang, huyện Tịnh Biên nói riêng nhất tề đứng lên, chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ, chiến đấu kiên cường đánh Mỹ, diệt ngụy. An ninh các địa phương khẩn trương củng cố và phát triển lực lượng, bảo vệ căn cứ. An ninh vũ trang tỉnh, huyện, điệp báo cùng với các tổ chức Đảng phát động quần chúng hình thành mạng lưới sâu rộng trong dân tiến hành phân loại các đối tượng, bám chặt các mục tiêu để có kế hoạch hành động, đặc biệt là kế hoạch phối hợp giữa các lực lượng An ninh với bộ đội và du kích đánh địch, diệt ác, trừ gian.

      Qua các đợt tấn công chính trị, binh vận, vũ trang của ta; nội bộ ngụy quân, ngụy quyền hoang mang co lại, vùng giải phóng được giữ vững và mở rộng thêm; đường biên giới sông Tiền nối liền giữa Khu 9 với Trung ương Cục, giữa An Giang với Khu 8 thông suốt. Đó là nhân tố là điều kiện thuận lợi tạo ra thời cơ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 của quân và dân huyện Tịnh Biên và các huyện khác của tỉnh An Giang.

      Trên cơ sở đánh giá, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, tháng 12/1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp và ra Nghị quyết về Tổng công kích và Tổng khởi nghĩa. Nghị quyết của Bộ Chính trị sau đó được Hội nghị Ban  Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (01/1968) thông qua. Hội nghị chủ trương mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân 1968  nhằm giáng một đòn quyết định làm nhụt ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ và giành thắng lợi quyết định cho dân tộc Việt Nam.

      Cuối tháng 12/1967, Tỉnh ủy họp tại núi Dài Lớn để quán triệt Nghị quyết, phương hướng chiến lược mới của Bộ Chính trị và ra Nghị quyết nêu rõ: Quyết tâm tập trung lực lượng vào trọng điểm thị xã, tiêu diệt bằng được một số mục tiêu quan trọng. Kết hợp với quần chúng trong và ngoài thị xã thực hiện phương châm công kích và nổi dậy giải phóng thị xã Châu Đốc, các huyện; trong đó có huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và Thị xã Long Xuyên; phối hợp đánh quận lỵ, chi khu, căn cứ hậu cần, cắt đứt một số đoạn giao thông để kềm chân địch, làm suy sụp bộ máy ngụy quyền nông thôn, thực hiện công kích và khởi nghĩa giành chính quyền.

      Đến cuối năm 1967, các kế hoạch và công tác chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 của tỉnh về cơ bản đã hoàn tất. Tỉnh lỵ Châu Đốc được chọn làm mục tiêu chính, Châu Thành – Long Xuyên là mục tiêu quan trọng, các nơi khác thì tùy điều kiện và tình hình cụ thể tổ chức lực lượng đánh địch và phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền.

      Tháng 01/1968, Nghị quyết của Tỉnh ủy được phổ biến đến các cấp ủy Đảng và phổ biến ra tận cơ sở. Ban An ninh tỉnh tổ chức quán triệt, học tập cho cán bộ, chiến sĩ tỉnh, huyện, xã; đề ra kế hoạch thực hiện chiến lược của Đảng; khí thế cách mạng sôi sục trong các tầng lớp nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ An ninh nhận thức được thời cơ trực tiếp cách mạng đã đến. Các bộ phận nghiệp vụ của An ninh tỉnh, cùng với An ninh thị xã và An ninh các xã vùng ven luồn sâu, lót sẳn, chuẩn bị địa bàn trong nội ô, bám vào mục tiêu, đối tượng, sẵn sàng nổ súng khi có lệnh.

      Đối với huyện Tịnh Biên, nhiệm vụ chính trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 là vận động thanh niên tòng quân, tổ chức dân công hỏa tuyến, khống chế giao thông, đồn bót địch, bảo đảm bí mật trong việc chuyển quân, trừ gian, phá tề, giải phóng xã, ấp…

      Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, Huyện ủy Tịnh Biên giao cho Trung đội địa phương quân, 25 du kích và vận động trên 200 thanh niên các xã Ba Chúc, Nhơn Hưng, Thới Sơn để bổ sung cho Tỉnh đội và địa phương quân huyện. Huyện ủy cũng chỉ đạo mỗi xã phải vận động từ 100 đến 500 dân công đi phục vụ chiến trường Châu Đốc. Các đồng chí trong Huyện ủy đều chia đi các xã cùng với cán bộ của tỉnh mở nhiều cuộc họp dân, phân tích tình hình và động viên quần chúng tham gia vào trận đánh có ý nghĩa này.

      Giữa tháng 01/1968, kế hoạch chuẩn bị cho chiến dịch ở Tịnh Biên tương đối hoàn chỉnh theo đúng yêu cầu của tỉnh, cụ thể: lực lượng vũ trang toàn huyện có 181 đồng chí gồm bộ binh, công binh và biệt động, giao bưu – an ninh trinh sát, còn lại lại các đơn vị trợ chiến và cơ quan Huyện đội. Các xã có Ban An ninh hoặc Tổ An ninh, cơ sở nội tuyến do An ninh tổ chức và có từ 01 đến 02 tiểu đội du kích tập trung và lực lượng du kích mật. Phong trào tòng quân và tham gia dân công hỏa tuyến của đồng bào rất sôi nổi. Các nơi từng tốp 05, 10 người tự động tổ chức nhau lại, thu xếp việc nhà sẵn sàng chờ lệnh là lên đường tòng quân hoặc tham gia dân công, có trên 1000 đồng bào các xã Ba Chúc, Vĩnh Gia, Lạc Quới, An Nông, Xuân Tô, Thới Sơn, Nhơn Hưng…tình nguyện đi dân công hỏa tuyến và được tổ chức thành 06 đội, 18 Trung đội, 54 Tiểu đội có phân công người chỉ huy cụ thể…

      Thời điểm bấy giờ, ở Tịnh Biên có được 08 Chi bộ xã và 01 Chi bộ thị trấn với 118 đảng viên, trong đó có 40 đảng viên mật (cơ sở nội tuyến, cơ sở mật, an ninh và du kích mật) bám xã, ấp trực tiếp lãnh đạo quần chúng nhân dân. Các Chi bộ đã lãnh đạo du kích, An ninh và Tự vệ mật làm tốt nhiệm vụ khống chế đồn bót và trấn áp tề xã, ấp nên dù phong trào quần chúng chuẩn bị nổi dậy, tấn công địch diễn ra sôi nổi nhưng vẫn đảm bảo được bí mật tới giờ chót, bọn địch tại chỗ, kể cả tề, điệp cũng không hề hay biết gì.

      Cùng với quá trình chuẩn bị lực lượng, trên địa bàn huyện Tịnh Biên cũng diễn ra một số trận đánh lớn, trong đó có trận đánh tiêu diệt Đồn số 5 xã An Phú đêm ngày 02 rạng ngày 03/01/1968 do Đại đội 1- D.512 của Tỉnh đội phối hợp với địa phương quân Tịnh Biên và An ninh, du kích xã An Phú thực hiện và đã tiêu diệt hầu hết toàn bộ lính trong đồn, trong đó có 04 tên tề ấp…Trận đánh đã làm nhân dân trong vùng phấn khởi, phong trào cách mạng ở xã An Phú được củng cố một bước, các đồn bót địch trên trục kênh Vĩnh Tế từ An Phú đến Nhơn Hưng đều hoang mang, co cụm.

      Tại Tịnh Biên, trong lúc lực lượng tỉnh đánh Châu Đốc, địa phương quân cùng với du kích và an ninh các xã đã phối hợp ba mũi tấn công, bắn phá đồn bót địch, khống chế giao thông. Căn cứ Chi Lăng bị ta pháo kích hàng trăm quả cối. Bót cầu Ô Mai (Xuân Tô) bị du kích kết hợp nội tuyến đánh diệt 08 tên, thu 08 súng. Ở Ba Chúc, du kích và An ninh ta đã khống chế đồn bót không cho chúng bung ra hoạt động được, giải tán Hội đồng xã, diệt tên Xã trưởng và 01 tên Trưởng ấp gian ác, làm chủ 03 ấp quanh núi Tượng ba ngày đêm…

      Kết quả trong chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968, trên địa bàn huyện Tịnh Biên ta giải phóng cơ bản 02 ấp Thới Thuận, Sơn Tây (Thới Sơn); chuyển 04 ấp lên tranh chấp mạnh là Mai Trung (Xuân Tô), Tây Hưng, Đông Hưng (Nhơn Hưng), Sơn Đông (Thới Sơn); phá lỏng kềm 14 ấp: Tà Béc A, Tà Béc B (An Nông), Phú Nhất, Phú Tâm (An Phú), Trung Bắc Hưng (Nhơn Hưng), An Định, An Hòa, Núi Nước, Thanh Lương (Ba Chúc), Vĩnh Hiệp, Vĩnh Cầu (Vĩnh Gia), Vĩnh Hòa (Lạc Quới), Phú Hữu (Xuân Tô) và 02 ấp giải phòng hoàn toàn nhưng không có dân là An Phước (Ba Chúc), Phú Cường (An Nông). Từ kết quả này, vùng du kích trên địa bàn Tịnh Biên được mở ra trên diện rộng ở nhiều ấp, cơ sở cách mạng phát triển khá nhanh, hàng ngàn nam, nữ thanh niên tích cực tham gia hoạt động cách mạng.

      Tiếp tục sau đợt I (30/1/1968 – 15/3/1968), các đợt II (05/5/1968 – 15/6/1968), đợt III (20/8/1968 – 30/8/1968), quân dân Tịnh Biên đánh địch phản kích “Bình định cấp tốc”, phối hợp cùng lực lượng An ninh bảo vệ địa bàn căn cứ; mặt khác, vẫn tiến hành thực hiện ba mũi tấn công, đánh phá giao thông, tiêu diệt đồn bót địch. Từ ngày 10/5 đến ngày 16/5/1968, được cơ sở nội tuyến An ninh mật hỗ trợ, du kích Ba Chúc, Lương Phi (Tri Tôn) đã bám vành đai núi Dài Lớn bắn chết 18 tên địch, làm bị thương 20 tên khiến địch phải rút bỏ khỏi một số cao điểm. Đầu tháng 06/1968 trên ba tiểu đoàn địch các loại có xe tăng, pháo binh yểm trợ càn vào vùng giải phóng Thới Sơn đóng thêm đồn Bà Đắc và Bà Đây, bắn chết 15 người dân và 15 căn nhà. An ninh và du kích xã Thới Sơn đã chống càn diệt 26 tên, làm bị thương 31 tên. Từ ngày 15/6 – 18/6/1968, du kích Thới Sơn tiếp tục chống càn 02 tiểu đoàn địch, diệt 34 tên, bắn cháy 02 xe GMC, 02 xe Jeep.

      Trong tháng 06/1968, ở núi Dài Lớn bộ đội tỉnh kết hợp với nội tuyến (điệp báo do An ninh tổ chức) lập nên chiến công lớn là tiêu diệt căn cứ biệt kích Phổ Đà - Ba Chúc, cụ thể: theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, đặc công tỉnh đưa người vào phối hợp với đồng chí Huỳnh Quang Nhật (Trung úy Quang) là nội tuyến của Quân khu 8 đang giữ chức Chỉ huy trưởng căn cứ biệt kích Phổ Đà, thực hiện kế hoạch khởi nghĩa. Đêm ngày 19/6/1968 kết hợp “nội công ngoại kích” ta tiêu diệt căn cứ Phổ Đà, bao vây khu phố Ba Chúc, diệt trên 60 tên, thu 66 súng các loại, trong đó có 02 khẩu cối, 01 khẩu ĐKZ, 08 khẩu đại liên và trung liên…

      Trong suốt năm 1968, trên địa bàn huyện Tịnh Biên các lực lượng vũ trang kể cả An ninh vũ trang và an ninh, du kích các xã đã tiêu diệt trên 200 tên địch các loại, trong đó chỉ tính riêng An ninh và du kích xã Thới Sơn đã diệt 122 tên, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh.

      Nhìn chung, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta vào tỉnh lỵ Châu Đốc tuy không đạt được kết quả như kế hoạch đã đề ra; nhưng đã giáng cho địch một đòn khá nặng nề, làm cho địch thiệt hại về sinh lực và phương tiện chiến tranh, ta đã phá được nhiều ấp chiến lược, diệt nhiều tên ác ôn ở cơ sở làm cho hàng ngũ địch hoang mang dao động, nhất là bọn tề xã, ấp góp phần cùng quân dân cả nước làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Đó là một thắng lợi lớn của quân dân An Giang, trong đó sự  góp sức người, sức của nhiều nhất cho chiến dịch và bảo đảm thực hiện trọng vẹn phương châm: bí mật, khẩn trương và thần tốc của quân và dân Tịnh Biên, trong đó có cả lực lượng An ninh Tịnh Biên.

      Lực lượng An ninh huyện, xã của Tịnh Biên, trước và trong Tổng tiến  công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đã không sợ hy sinh, gian khổ xuống tận cơ sở tiến hành soát xét từng loại đối tượng, bóc gỡ mạng lưới tai mắt của địch, lên danh sách, quản lý chặt chẽ các loại đối tượng liên quan, phát động phong trào phòng gian, bảo mật, diệt ác, phá kềm “làm sạch” địa bàn khu căn cứ để các cấp lãnh đạo Đảng, các đơn vị vũ tranh tỉnh, huyện đứng chân trên địa bàn huyện Tịnh Biên triển khai thực hiện chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, góp phần làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc và chấp nhận tiến hành đàm phán với Chính phủ ta tại Pari.

                                                                                         TẤN HÒA

LỰC LƯỢNG AN NINH HUYỆN TỊNH BIÊN, TỈNH AN GIANG TRONG TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968
Dịch vụ công trực tuyến

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: