Skip to main content

Khắc ghi lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”

(TUAG)- Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo, cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…

Dưới góc độ Triết học, danh dự được coi như một thành tố thuộc phạm trù đạo đức. Danh dự có ý nghĩa rất lớn, nó như một đòn bẩy, thúc đẩy con người làm điều thiện, điều tốt; như một rào chắn ngăn ngừa điều ác, điều xấu. Người xưa trọng danh dự như mạng sống, thậm chí còn hơn cả mạng sống.

Pavel Korchagin, một nhân vật trong "Thép đã tôi thế đấy" đã từng tâm niệm: "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời; sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người". Đó không chỉ là lý tưởng sống, là danh dự của lớp thanh niên thế hệ Pavel, mà còn là danh dự, lẽ sống của biết bao người chân chính.

TBT-NP-Trong-3.jpg
 

Xoay quanh thuật ngữ "danh dự", hiện có nhiều quan niệm khác nhau. Tiếp cận từ khía cạnh cá nhân, danh dự được coi như một trong những phẩm chất cao quý của mỗi người, là giá trị làm người. Danh dự là sự coi trọng, đánh giá của dư luận xã hội đối với một người dựa trên các giá trị tinh thần, đạo đức của người đó; là sự tự ý thức về giá trị của bản thân, sự tôn trọng và gìn giữ giá trị ấy, đặc biệt trong những bối cảnh khó khăn, các tình huống thử thách. Danh dự không tự nhiên có được, mà đến từ sự đóng góp, cống hiến của người đó với tổ chức, tập thể, xã hội; do sự tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện miệt mài, dày công vun đắp như "ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Danh dự không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị, chức vụ, nghề nghiệp, giới tính. Người có danh dự, trọng danh dự sẽ được mọi người yêu mến, tin tưởng, tôn trọng.

Danh dự không thể mua bán, trao đổi, ban phát hay cho tặng như những món quà, vật phẩm khác. Tiền bạc mất đi có thể kiếm lại được, còn danh dự mất đi thì không thể lấy lại được. Do vậy, người có danh dự, trọng danh dự khi làm một việc gì luôn cẩn trọng, suy xét một cách thấu đáo xem có ảnh hưởng đến danh dự của bản thân không, có làm tổn hại đến lợi ích, danh dự của người khác, của tập thể, cộng đồng không; luôn đặt lợi ích của tập thể, của cộng đồng lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân. Nhờ đó, người có danh dự, trọng danh dự luôn hướng tới điều thiện, điều tốt, tránh những điều xấu, điều ác.

Người xưa có câu: Đói miếng hơn tiếng đời/ Ăn một miếng, tiếng một đời/ Áo rách cốt cách người thương/ Tốt danh hơn lành áo/ Chết đứng hơn sống quỳ/ Cọp chết để da, người ta chết để tiếng/ Sống chớ khom lưng, uốn gối, dập đầu/ Chết trong còn hơn sống đục/ Chết vinh còn hơn sống nhục/ Cứ trong đạo lý luân thường, Làm người phải giữ kỷ cương làm đầu… Người ta sống vì "tiếng", không ai sống vì "miếng". "Tiếng" ở đây là tiếng thơm, là cốt cách, danh dự của mỗi người.

Đối với người cán bộ, đảng viên, danh dự lại càng thiêng liêng, cao quý. Nhưng uy tín, thanh danh không phải là điều gì đó bất biến, còn mãi, trái lại sẽ bị giảm sút, thậm chí mất đi nếu không biết giữ gìn, bảo vệ, bồi đắp, như lời Bác Hồ đã dạy: "một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân". Lời chỉ dạy của Bác cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng vô cùng sâu sắc, thấm thía, nhất là soi rọi vào tình hình hiện nay.

 Tháng 11/2020, tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tâm sự một vài điều rất cơ bản, rất then chốt về lẽ sống của người cách mạng, của cán bộ đảng viên. Đó là phải làm sao giữ cho được, làm cho đúng theo tư cách, đạo đức, danh dự của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người lãnh đạo.

TBT-NP-Trong-4.jpg
 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định, muốn làm người đảng viên, muốn làm người cán bộ, trước hết phải là một con người chân chính, một con người biết trọng liêm sỉ, biết trọng danh dự, bởi danh dự thứ cao quý nhất trên đời. Danh dự là biểu hiện cao nhất của liêm sỉ, là yêu cầu tối thượng đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Chúng ta giữ chức vụ to hay nhỏ, dù ở Trung ương hay cơ sở, trước hết phải là người ngay ngắn, con người chân chính, như thế mới là lãnh đạo được, như thế mới thay mặt Đảng để làm công việc quản trị quốc gia, quản trị xã hội.

Tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh: "Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm! Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!"…
 

tbt-NPTrong-ag-2.jpg
 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà cho gia đình chính sách tại xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn.
 

Không phải ngẫu nhiên trong thời gian gần đây, người đứng đầu Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh: Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất, sẽ còn mãi với thời gian; phải giữ cho được tư cách, đạo đức, danh dự của người đảng viên, người cán bộ cách mạng. Đây là những lời nhắc nhở, đồng thời là sự tổng kết kinh nghiệm của cha ông về đạo lý làm người, giá trị của con người mà mỗi chúng ta, nhất là cán bộ, đảng viên phải thấu triệt, suốt đời tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, những thói hư, tật xấu trong bản thân mỗi người, để làm cho cái tốt, cái đẹp, điều thiện nảy nở như hoa mùa xuân; để đến khi trở về cuộc sống đời thường hay trước lúc nhắm mắt xuôi tay không cảm thấy ân hận, hổ thẹn vì đã giữ được trọn vẹn danh dự của mình./.

SỰ THẬT (Nguồn Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang)