|

SA-Thông báo

Cảnh giác tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Lượt xem:

Thời gian qua, lực lượng Công an phối hợp với nhiều ngành chức năng đã đấu tranh triệt xoá nhiều băng, nhóm, xử lý nhiều đối tượng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, tình hình tội phạm này vẫn còn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; trong đó, thủ đoạn của các đối tượng sử dụng công nghệ cao (thông qua mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng xã hội, mạng Internet,…) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân vẫn diễn biến phức tạp. Trên địa bàn tỉnh An Giang, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra 62 vụ tội phạm liên quan đến công nghệ cao, thiệt hại số tiền trên 6,3 tỷ đồng; qua đó, đã và đang gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

      Công an tỉnh thông báo một số phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội để mọi người nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa trước thủ đoạn của các đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

     1. Thủ đoạn giả danh nhân viên bưu điện, nhân viên ngân hàng hoặc giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

      - Giả danh nhân viên bưu điện gọi điện cho bị hại: Thông báo bị hại có bưu phẩm từ nước ngoài chuyển đến hoặc bị hại có bưu diện chưa nhận và đang lưu tại bưu cục. Nếu bị hại muốn nhận bưu phẩm nói trên phải chuyển cho đối tượng một số tiền gọi là lệ phí (phí thuế Hải quan, phí lưu bưu phẩm chờ chuyển cho khách hàng…) vào tài khoản ngân hàng của đối tượng (tài khoản này đối tượng sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để lập) và chiếm đoạt tài sản.

      - Giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện hoặc nhắn tin cho bị hại để mời chào các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, cho vay tín chấp và thời gian giải ngân nhanh nhưng phải đóng một số lệ phí trước hoặc chứng minh khả năng tài chính (lập một tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của đối tượng và chuyển tiền vào tài khoản đó). Hoặc thông báo bị hại nợ ngân hàng quá hạn và yêu cầu chuyển tiền để thanh toán nợ quá hạn theo yêu cầu của đối tượng, khi bị hại đã chuyển tiền theo yêu cầu của thì đối tượng cắt liên lạc và chiếm đoạt tài sản.

      - Giả cán bộ Công an, Viện kiểm sát gọi điện cho nạn nhân: Thông báo về việc tài khoản ngân hàng của nạn nhân có liên quan đến các vụ án đang điều tra, yêu cầu nạn nhân kết bạn Zalo. Sau đó, đối tượng gửi hình ảnh lệnh bắt tạm giam của cơ quan pháp luật cho nạn nhân xem. Để chứng minh nạn nhân không có liên quan đến vụ án đang được điều tra, đối tượng yêu cầu nạn nhân khai báo rõ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc yêu cầu nạn nhân mở mới và nộp tiền vào tài khoản ngân hàng khác do đối tượng chỉ định nếu trong vòng 24 giờ chứng minh tài khoản của nạn nhân không liên quan đến vụ án thì trả lại tiền nhưng thực chất là để chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Hoặc khi có thông tin cụ thể về tài khoản ngân hàng của nạn nhân, đối tượng thực hiện lệnh chuyển khoản sang tài khoản khác để chiếm đoạt.

      2. Thủ đoạn kết bạn qua mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

       - Đối tượng thu mua tài khoản mạng xã hội, lập tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber…) giống hoặc chiếm quyền quản trị (hack) tài khoản của người khác rồi nhắn tin cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản đó để mượn tiền hoặc nhờ mua card điện thoại để chiếm đoạt tài sản.

      - Nhóm đối tượng rất am hiểu về công nghệ thông tin cũng như các thủ tục gửi và nhận quà từ nước ngoài về nước hoặc từ trong nước ra nước ngoài, thường chúng được tổ chức thành một nhóm chứ không hoạt động đơn lẻ. Cách thức hoạt động: Đối tượng sử dụng mạng xã hội (tài khoản nước ngoài) để kết bạn và trò chuyện với nạn nhân trong một thời gian nhất định. Sau đó, đối tượng thông báo gửi quà có giá trị lớn cho nạn nhân; tuy nhiên, để nhận được quà, nạn nhân phải trả trước một số lệ phí nhất định, lệ phí này nộp trực tiếp cho danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế (do đồng bọn của đối tượng đóng giả) để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

      3. Thủ đoạn thông báo “trúng thưởng may mắn” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

      Đối tượng giả danh nhân viên của Trung tâm mua sắm, Đài truyền hình… gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ đã may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao của một chương trình nào đó. Để nhận được phần thưởng này, nạn nhân phải mua 01 sản phẩm của đối tượng có giá trị cao hơn giá thị trường hoặc mua thẻ cào có giá trị cao cung cấp mã thẻ cho đối tượng hoặc chuyển trước cho đối tượng một số tiền đóng thuế để nhận thưởng.

      4. Thủ đoạn lừa mua hàng qua mạng để chiếm đoạt tài sản

       Đối tượng thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber…) liên lạc với các chủ bán hàng qua mạng đặt mua hàng có giá trị lớn và thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng. Sau đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân nhập thông tin cá lên trang web do đối tượng lập sẵn nhằm lấy được thông tin cá nhân và số điện thoại của nạn nhân đã đăng ký lập tài khoản ngân hàng; tiếp theo, đối tượng sử dụng những thông tin của nạn nhân để xâm nhập vào tài khoản ngân hàng của người họ, yêu cầu họ gửi mã xác nhận đã đăng ký với ngân hàng cho đối tượng với lý do có mã xác nhận này chúng mới thực hiện được việc chuyển tiền cho nạn nhân. Khi có mã xác nhận, chúng đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân (bằng Internet Banking) và chuyển hết tiền trong tài khoản sang tài khoản khác để chiếm đoạt.

Nguyễn Bình Thành, Phòng Tham mưu Công an tỉnh

Cảnh giác tội phạm lừa đảo trên không gian mạng
Dịch vụ công trực tuyến

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: