Skip to main content

Tịnh Biên triển khai Dự án phát triển cộng đồng tăng cường năng lực tự bảo vệ cho trẻ em gái Khmer

Nhằm hướng tới việc tạo nên một cộng đồng nhận thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm bảo vệ trẻ em, trong đó có các bé gái người Khmer. Vừa qua, UBND TX. Tịnh Biên phối hợp khoa Khoa học liên ngành, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình tọa đàm khởi động dự án “Tăng cường năng lực tự bảo vệ cho các bé gái người Khmer trước các vấn đề tảo hôn, bạo lực, xâm hại, bắt cóc, mua bán trẻ em gái” năm 2024 tại TX. Tịnh Biên.

Trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh nữ tại TX. Tịnh Biên (Ảnh: Khoa Khoa học Liên ngành) 

          Thị xã Tịnh Biên là địa phương biên giới, có 14 đơn vị hành chính, bao gồm 07 phường và 07 xã. Trong đó, có 05 xã đông đồng bào dân tộc Khmer, đa phần cư trú trong các phum, sóc và làm nông nghiệp, chăn nuôi, buôn bán nhỏ nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nêu bật các vấn đề liên quan đến tình trạng trẻ em bị bạo lực, hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm đến các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực thường do sự thiếu quan tâm của chính gia đình, ảnh hưởng của các phong tục lạc hậu, sự hạn chế về nhận thức hiểu biết của một số ít bà con đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. 

           Dự án được diễn ra từ tháng 7 năm 2024 đến tháng 2 năm 2025, với các hoạt động chính bao gồm: tổ chức các buổi tập huấn cho 100 giáo viên, cán bộ địa phương, phụ huynh học sinh, người có uy tín trong cộng đồng; Tập huấn cho 400 nữ sinh trung học cơ sở dân tộc thiểu số Khmer, trang bị kiến thức và kỹ năng phát hiện và can thiệp sớm, nâng cao khả năng tự vệ và ứng phó với các tình huống nguy hiểm, trước những thách thức của xã hội như tảo hôn, bạo lực gia đình, xâm hại, bắt cóc và buôn bán trẻ em. Đồng thời, cũng tổ chức tập huấn cho cán bộ Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,  giáo viên, Tổng phụ trách đội và lãnh đạo địa phương về quyền trẻ em và xây dựng quy trình bảo vệ trẻ em khỏi tảo hôn, bạo lực và buôn bán trẻ em theo quy định của pháp luật. 

TS. Nguyễn Thị Hảo, Trưởng khoa Khoa học Liên ngành, phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Khoa Khoa học Liên ngành)

          Thông tin thêm về Dự án, Trưởng Khoa Khoa học Liên Ngành - Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hảo cho biết: “Dự án này được triển khai nhằm hướng tới mục tiêu là tăng cường năng lực tự bảo vệ cho các bé trước những nguy cơ về tảo hôn, bạo lực, lạm dụng, bắt cóc và buôn bán qua biên giới. Thực tế các bé rất khó để có thể tự bảo vệ bản thân một cách hiệu quả mà bên cạnh đó cần còn có sự chung tay, hỗ trợ của cộng đồng. Mà hơn hết, chính là sự quan tâm từ các bậc cha cùng với giáo viên, nhà trường, các ban ngành địa phương để có sự chung tay, góp sức cho việc triền khai này Dự án này”.

          Dự án do Quỹ Canada dành cho sáng kiến địa phương (CFLI) tài trợ thông qua Đại sứ quán Canada tại Việt Nam. Qua chương trình tọa đàm, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền và trách nhiệm bảo vệ trẻ em, trong đó có các bé gái người dân tộc thiểu số Khmer; Xây dựng cơ chế hỗ trợ bền vững, kết nối giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội để tạo thành mạng lưới bảo vệ các em khỏi những rủi ro trong cuộc sống; tạo môi trường an toàn, bình đẳng cho trẻ em phát triển, xây dựng cộng đồng dân tộc thiểu số Khmer tại thị xã Tịnh Biên ngày càng bền vững và phát triển toàn diện hơn. Dịp này, Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã trao tặng 66 thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em gái người Khmer có hoàn cảnh khó khăn.

Tin, ảnh: Mai Phương – Hữu Ngọc