Quán triệt chủ trương, định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong Công an nhân dân
Sáng ngày 08/5/2025, Bộ Công an tổ chức Hội nghị quán triệt chủ trương, định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong Công an nhân dân. Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chủ trì hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Bộ Công an và trực tuyến đến điểm cầu Công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu Công an tỉnh An Giang có đồng chí Đại Nguyễn Thế Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh.

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an)
Tại Hội nghị, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an đã công bố các Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, chiều 05/5/2025, với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết số 194/2025/QH15 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 195/2015/QH15 về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 15 thành viên do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội là Chủ tịch Ủy ban. Đồng chí Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an là một trong 04 đại diện của Chính phủ tham gia Ủy ban.
Tại hội nghị, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã công bố các Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, chiều ngày 5/5, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết số 194/2025/QH15 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 195/2015/QH15 về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 15 thành viên do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội là Chủ tịch Ủy ban. Thứ trưởng Lê Quốc Hùng là một trong 4 đại diện của Chính phủ tham gia Ủy ban.
Để chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định ban hành Kế hoạch rà soát, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong Công an nhân dân, trong đó xác định các nhiệm vụ hết sức trọng tâm, trọng điểm và phân công cụ thể trách nhiệm, tiến độ thực hiện đối với từng đơn vị, địa phương.
Hội nghị cũng đã được nghe lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an quán triệt Kế hoạch “Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNeID”. Theo đó, từ ngày 6/5/2025, người dân có thể truy cập đọc nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp và góp ý trên VNeID với một vài bước đơn giản. Đây là lần đầu tiên Quốc hội cho phép lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp qua ứng dụng VNeID, đặt ra yêu cầu trách nhiệm rất lớn với Bộ Công an trong việc bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, an ninh, an toàn để thực hiện nhiệm vụ này, nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, bảo đảm Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
Hội nghị cũng đã được quán triệt các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Đồng chí Đại tá Nguyễn Thế Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh tại điểm cầu Công an tỉnh An Giang

Đại biểu tại điểm cầu An Giang
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có tính quyết định để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới là việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thực hiện mô hình địa phương 02 cấp bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc triển khai thực hiện các chủ trương nói trên, thì việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan là hết sức cần thiết. Đây là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an)
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đánh giá cao các đơn vị trong Công an nhân dân đã chủ động triển khai các nhiệm vụ trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 cũng như lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, đồng thời chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, cấp bách, trọng tâm trong thời gian tới (cho đến thời điểm Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2025), cần tập trung tối đa nhân lực, phương tiện để bảo đảm thực hiện tốt các công việc được phân công.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng yêu cầu Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo trực tiếp lực lượng Công an cấp xã vận động, hướng dẫn Nhân dân tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, khuyến khích và đặt mục tiêu 90% công dân có tài khoản định danh điện tử mức 2 góp ý trên ứng dụng VNeID. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, các đơn vị chức năng bảo đảm tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp và trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, nắm bắt tình hình từ sớm, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý ngay từ khi chưa phát sinh tình huống phức tạp, tuyệt đối không để xảy ra bất kỳ vấn đề gì về an ninh, trật tự.
Quỳnh Như