Phó Thủ tướng Mai Văn Chính làm việc với 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau
Sáng 20/3/2025, tại thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang), Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính và đoàn công tác đã làm việc với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, phong trào thi đua xoá nhà tạm, nhà dột nát, chương trình mục tiêu quốc gia và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tỉnh, qua đó phấn đấu đạt và vượt mức tăng trưởng năm 2025.
Quang cảnh làm việc
Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang; đồng chí Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang; đồng chí Hồ Văn Mừng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang; đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cùng lãnh đạo các bộ ngành Trung ương cùng tham dự buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực quyết liệt của các tỉnh trong việc triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Về một số vấn đề khó khăn, vướng mắc của 3 địa phương, Phó Thủ tướng khẳng định các bộ, ngành đã lắng nghe, một số ý kiến đã được trả lời tại hội nghị. Văn phòng Chính phủ tập hợp lại để báo cáo lãnh đạo Chính phủ, tham mưu, tháo gỡ cho các địa phương trong thời gian tới.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính cho rằng 3 tỉnh gồm An Giang, Đồng Tháp và Cà Mau phải tiếp tục phấn đấu, quyết tâm, quyết liệt cao hơn nữa.
Phó Thủ tướng lưu ý hai tỉnh Đồng Tháp và Cà Mau cần rà soát lại kịch bản tăng trưởng ở khu vực I (nông, lâm nghiệp, thuỷ sản). Theo Phó Thủ tướng Mai Văn Chính, Đồng Tháp và Cà Mau là những địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, đặc biệt là thuỷ sản nhưng lại xây dựng kịch bản tăng trưởng khu vực I dưới 4% (Đồng Tháp là 3,7%, Cà Mau là 3,5%) trong khi cả nước là tăng trưởng 4% là chưa phù hợp. Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đề nghị hai tỉnh Đồng Tháp và Cà Mau cần điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng khu vực I, đạt từ 4% trở trên; kịch bản tăng trưởng cần phải được cụ thể hoá ở từng khu vực, phân công trách nhiệm rõ ràng, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt ở mức cao nhất.
Về các công trình trọng điểm, phân bổ nguồn vốn đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương trong tháng 3 này các địa phương phải phân bổ xong, đảm bảo dòng tiền vào các dự án đúng tiến độ. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ thi công, để các công trình phải sớm hoàn thiện, đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả. Xem đây là động lực để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho cả 3 địa phương trong năm 2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính phát biểu chỉ đạo
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh cần triển khai quán triệt và khẩn trương thực hiện nghiêm các Công điện chỉ đạo của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, trọng điểm của tỉnh; nơi nào giải ngân thấp thì cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Đối với vấn đề phát triển nhà ở xã hội, xoá nhà tạm, Phó Thủ tướng cho rằng các địa phương đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên cần tập trung nhiều hơn nữa; ngoài nguồn lực phân bổ từ Trung ương thì các địa phương cần huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển, phấn đấu trong năm 2025 sẽ hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo và người có công.
Bên cạnh đó, các địa phương phải quyết liệt, sáng tạo, phát triển quy mô kinh tế tỉnh theo hình thức chung tay giữa đơn vị, bộ, ngành và sự quyết liệt của người đứng đầu địa phương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo ra môi trường đầu tư tốt để thu hút các nhà đầu tư. Rà soát lại các thủ tục hành chính, cắt giảm 30% các thủ tục hành chính, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển.
Đến nay, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Cà Mau đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 theo Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.
Cụ thể, tỉnh An Giang đã xây dựng và ban hành kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, GRDP đạt 10% trở lên. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 16,15%; khu vực dịch vụ tăng 12,15%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 19,945 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước đạt 8,391 tỷ đồng.
Để tăng trưởng bền vững trong thời gian tới, tỉnh An Giang sẻ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến chuyển biến về chất, tạo ra giá trị thực. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ, thúc đẩy liên kết vùng. Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chủ động hợp tác, liên kết vùng, phát huy thế mạnh của tỉnh. Thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới. Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Tỉnh An Giang kiến nghị Trung ương cho chủ trương khắc phục và triển khai thực hiện các bước tiếp theo đối với các dự án đang còn vướng mắc pháp lý theo các kết luận thanh tra, kiểm tra,… để khơi thông nguồn lực, đưa các tài sản và dòng vốn vào lưu thông, tránh thất thoát, lãng phí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng. Đồng thời, có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội đối với các tỉnh biên giới Tây Nam, nhằm tăng khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư hiệu quả hơn; kiến nghị Chính phủ đầu tư xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự; tuyến đường nối từ điểm đầu cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng đến cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Quốc lộ 91 đi cửa khẩu Khánh Bình; tuyến Quốc lộ 91 đi qua thị trấn Cái Dầu – Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú); tuyến đường liên kết vùng - cầu Tôn Đức Thắng (kết nốt thành phố Long Xuyên với huyện Chợ Mới và cù lao Mỹ Hoà Hưng – quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng) qua đó, phát huy cao nhất hiệu quả của Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng và các tuyến giao thông quan trọng khác, đồng thời khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế khu vực kinh tế cửa khẩu, đảm bảo vận chuyển hàng hoá và lưu thông cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng chí Lê Hồng Quang, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng,
Bí thư tỉnh uỷ An Giang phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Hồ Văn Mừng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang báo cáo tại buổi làm việc
Hai tỉnh Đồng Tháp và Cà Mau đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 là 8%. Để đạt được mục tiêu đề ra, Đồng Tháp và Cà Mau đã kịp thời cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương, tổ chức điều chỉnh kịch bản tăng trưởng phấn đấu đạt từ 8% trở lên./.
Bài, ảnh: Công Mạo – Tiến Tầm