Cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo liên quan đến “phạt nguội” gia thông
Thời gian gần đây, lợi dụng lực lượng Cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm giao thông bằng hình thức “Phạt nguội” một số đối tượng lợi dụng hiểu biết còn hạn chế và tâm lý lo lắng của một số người dân để lừa đảo.
Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng những phương thức, thủ đoạn sau:
Đối tượng gửi tin nhắn từ các số điện thoại lạ hoặc đầu số có vẻ “chính thống” (như 058..., 079..., 087...) thông báo bạn đã vi phạm giao thông và bị phạt nguội. Kèm theo đó là một đường link giả mạo trang web của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) hoặc Bộ Công an. Khi click vào link này, bạn sẽ được yêu cầu nhập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP để “tra cứu” hoặc “nộp phạt”. Ngay lập tức, tài khoản của bạn sẽ bị chiếm đoạt.
Gọi điện thoại trực tiếp, giả mạo là cán bộ CSGT, Thanh tra giao thông thông báo bạn có biên lai phạt nguội chưa nộp và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của chúng để “xử lý nhanh”, nếu không sẽ bị tạm giữ phương tiện hoặc giấy phép lái xe. Chúng thường gây áp lực, hù dọa để nạn nhân hoảng sợ và làm theo yêu cầu.
Tạo ra các trang web hoặc ứng dụng di động có giao diện giống hệt trang web chính thức của cơ quan chức năng. Khi bạn nhập thông tin để tra cứu, chúng sẽ thu thập dữ liệu cá nhân của bạn hoặc yêu cầu bạn nộp một khoản phí nhỏ để “xem chi tiết vi phạm”, sau đó biến mất cùng với số tiền đó.
Lập các hội nhóm, fanpage trên mạng xã hội để “hỗ trợ nộp phạt nguội”:Một số đối tượng lập ra các hội nhóm, fanpage trên Facebook, Zalo... quảng cáo dịch vụ “hỗ trợ nộp phạt nguội nhanh chóng, giảm giá” hoặc “tra cứu giúp”. Chúng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh giấy tờ xe và chuyển khoản trước một khoản tiền, sau đó chặn liên lạc hoặc lợi dụng thông tin để thực hiện các hành vi lừa đảo khác.
Giả danh shipper, gọi điện báo có giấy phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu “thanh toán cước vận chuyển qua chuyển khoản” hoặc tải ứng dụng giả mạo “VNeID” để cập nhật thông tin nhằm mục đích chiếm đoạt tiền, mật khẩu, mã OPT, mã pin ngân hàng và tài khoản mạng xã hội.
Để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh An Giang khuyến cáo người dân:
- Không click vào các đường link lạ được gửi qua tin nhắn, email hay từ các nguồn không xác định.
- Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng vì Cảnh sát giao thông không bao giờ yêu cầu bạn chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để nộp phạt. Mọi giao dịch nộp phạt đều được thực hiện tại kho bạc nhà nước, ngân hàng hoặc thông qua các cổng thanh toán điện tử chính thức của nhà nước.
- Không cung cấp mật khẩu, mã OTP, số thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ cho bất kỳ ai qua điện thoại hay tin nhắn.
- Nếu nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là Cảnh sát giao thông/Thanh tra giao thông yêu cầu nộp phạt, hãy yêu cầu họ cung cấp đầy đủ thông tin về biên bản vi phạm, thời gian, địa điểm cụ thể. Xác minh lại bằng cách gọi trực tiếp đến số điện thoại đường dây nóng của Công an địa phương hoặc Cục CSGT (số điện thoại chính thức được công bố trên các trang web uy tín).
- Không sử dụng các dịch vụ “hỗ trợ nộp phạt” từ các cá nhân, hội nhóm không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.
Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ bị lừa đảo, người dân đến ngay cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ.
Trường Sơn (PC08)